Lượt xem: 574

Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Văn Quới và con đường mang tên ông ở thành phố Sóc Trăng

Người dân ở thành phố Sóc Trăng có lẽ phần lớn đều biết đường Trương Văn Quới, vì con đường này có từ rất lâu và đặc biệt là nằm ở mặt bên của Chợ Phường 2, một đầu nối với đường Trần Hưng Đạo; một đầu nối với đường Nguyễn Trung Trực, nơi có những hoạt động mua bán khá nhộn nhịp.

    Trương Văn Quới có tên khai sinh là Trương Văn An và tên thường dùng là Năm Già, sinh năm 1915 tại làng Ninh Quới, quận Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Ông tham gia hoạt động cách mạng ở quê nhà Ninh Quới từ năm 1945. Sau Hiệp định Giơnevơ vào tháng 7-1954, Trương Văn Quới được tổ chức phân công ở lại miền Nam, tiếp tục gây dựng tổ chức cơ sở đảng và phong trào cách mạng. Đầu năm 1956, đồng chí được phân công làm Bí thư Chi bộ xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân[1]. Trong phong trào Đồng khởi năm 1960, xã Ninh Thạnh Lợi được tỉnh Sóc Trăng chọn làm xã điểm chỉ đạo. Tháng 3-1960, đồng chí Trương Văn Quới cùng đảng viên chi bộ phối hợp với một bộ phân của đơn vị Phú Lợi (đơn vị vũ trang của tỉnh Sóc Trăng) và lực lượng dân quân, tổ chức bao vây tiến công đồn Cỏ Thum (thuộc xã Ninh Thạnh Lợi), phát động quần chúng nổi dậy truy lùng bọn tề ấp và các tổ chức phản động, đánh phá các hình thức kìm kẹp của địch. Trước khí thế tiến công của lực lượng cách mạng, bọn địch ở đồn Cỏ Thum đầu hàng, ấp Cỏ Thum hoàn toàn giải phóng. Phát huy thắng lợi, đồng chí Trương Văn Quới lãnh đạo đảng viên chi bộ phối hợp cùng lực lượng vũ trang tỉnh bao vây đồn Cai Giảng, địch trong đồn rút chạy. Xã Ninh Thạnh Lợi là xã đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng hoàn toàn giải phóng.


Trương Văn Quới - con đường mang tên ông ở thành phố Sóc Trăng.

    Năm 1965, đồng chí Trương Văn Quới được điều động lên tỉnh Sóc Trăng, công tác ở Ban Căn cứ Tỉnh ủy, đây là nhiệm vụ mới khá nặng nề, đồng thời là thử thách lớn. Đồng chí Trương Văn Quới đã cùng với anh em nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo ra nhiều kiểu hầm, hào giao thông tránh bom pháo, để căn cứ luôn được an toàn.

    Tháng 10-1967, đồng chí Trương Văn Quới được điều động công tác ở thị xã Sóc Trăng, với nhiệm vụ là Trưởng Ban Công vận, kiêm Trưởng Ban Cán sự Khu III. Đồng chí đã xây dựng được hàng chục gia đình cơ sở cách mạng sống và làm việc hợp pháp trên địa bàn nội ô thị xã. Bên trong ngôi nhà của đồng chí Trương Văn Quới, vừa mới mua ở ấp Lền Kía (nay ở đường Điện Biên Phủ, thuộc khu vực Khóm 1, Phường 6 hiện nay) được bí mật xây dựng kho chứa vũ khí của lực lượng vũ trang thị xã Sóc Trăng. Ngoài ra, trong ngôi nhà đồng chí còn có một hầm bí mật, có sức chứa đến một tiểu đội, nơi đây từng nuôi giấu đồng chí Phan Thị Tốt (Ba Tốt), Khu ủy viên Khu Tây Nam bộ đến công tác tại tỉnh Sóc Trăng để chỉ đạo cuộc Tổng công kích, tổng khởi nghĩa Mậu Thân năm 1968.

    Những cơ sở cách mạng mà đồng chí Trương Văn Quới gây dựng được trong thời gian này đã góp phần quan trọng vào việc khôi phục và phát triển phong trào cách mạng ở thị xã Sóc Trăng.

    Ngày 6-8-1969, trên đường công tác ở ấp An Trạch, xã An Ninh, huyện Châu Thành (vùng ven thị xã Sóc Trăng), do bị chỉ điểm nên đồng chí Trương Văn Quới bị bắt. Địch vui mừng vì bắt được một cán bộ cách mạng trung kiên, nên sử dụng vào việc trục phá cơ sở cách mạng ở nội ô thị xã Sóc Trăng. Chúng cho bọn mật thám dẫn đồng chí Trương Văn Quới đi khắp chợ Khánh Hưng (Chợ Trung tâm thành phố Sóc Trăng hiện nay), quan sát hễ có người nào hỏi han Trương Văn Quới thì chúng bắt ngay người đó. Biết được âm mưu thâm độc của địch, đồng thời sợ liên lụy đến anh em đồng chí, đồng chí Trương Văn Quới vẫn bình tĩnh, vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, đồng chí vừa đi vừa la lớn: “Tôi là cộng sản bị địch bắt, tôi không bao giờ hại đồng chí, đồng bào của tôi đâu”. Nhiều cơ sở cách mạng nghe thấy mà không kiềm chế được nỗi xúc động. Tuy nhiên, do hoàn cảnh, họ phải làm ngơ, phải lảng tránh để bảo vệ an toàn cho tổ chức và phong trào cách mạng. Quá điên tức vì việc làm của họ không mang lại hiệu quả, lại bị đồng chí Trương Văn Quới đấu tranh vạch mặt, địch thẳng tay đánh đập đồng chí Trương Văn Quới hết sức dã man. Khi được đưa đến Nhà thương Phan Bội Châu cứu chữa thì đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng.

    Đồng chí Trương Văn Quới hy sinh là một tổn thất lớn đối với Đảng bộ và Nhân dân thị xã Sóc Trăng, cách mạng tỉnh nhà mất đi một cán bộ trung kiên và có uy tín.

    Để ghi nhận những đóng góp của đồng chí Trương Văn Quới, ngày 28-4-2000, Chủ tịch nước ký Quyết định số 160/KT/CTN truy tặng Liệt sĩ Trương Văn Quới danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

    Đối với địa phương, để tri ân và tưởng nhớ đồng chí Trương Văn Quới, sau ngày miền Nam giải phóng, Đảng bộ, chính quyền thị xã Sóc Trăng quyết định đổi tên đường Châu Văn Tiếp thành đường Trương Văn Quới cho đến ngày nay.

Thanh Hà



[1] Đầu năm 1947, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ quyết định đổi tên quận Phước Long thành quận Hồng Dân, nhằm tôn vinh tấm gương chiến đấu dũng cảm hy sinh của đồng chí Trần Hồng Dân, Bí thư Quận ủy Phước Long đã hy sinh vào tháng 6-1946. Từ tháng 6-1957 đến tháng 11-1973 huyện Hồng Dân thuộc tỉnh Sóc Trăng.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 42
  • Hôm nay: 8015
  • Trong tuần: 78,722
  • Tất cả: 11,802,042